Loading....
Chuyện ở Nha Mân

Nhiều vùng của nước ta nổi tiếng vì gái đẹp. Ở miền Nam, 2 vùng được nhiều người cho là nhiều gái đẹp nhất là vùng Gò Công của xứ Tiền Giang và Nha Mân của xứ Đồng Tháp. Nếu như vùng Gò Công góp 2 nhan sắc cho triều Nguyễn là bà Từ Dũ mẹ của vua Tự Đức (Dũ chứ không phải Vũ đâu nha Tí, mày cứ tưởng tao quánh chính tả sai là bắt lỗi) và bà Nam Phương hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại. Nha Mân thì không có những tấm nhan sắc leo lên bậc mẫu nghi thiên hạ như vậy, nhưng gái đẹp thì vượt trội hơn về số lượng. Tương truyền, ngày xưa vua Gia Long Nguyễn Ánh chạy loạn vì bị quân Tây Sơn rượt đuổi, có bỏ lại mấy trăm bà ở Nha Mân, rồi Gia Long ra Phú Quốc, sang Xiêm. Mấy trăm cung tần mỹ nữ, đủ mọi vùng miền cả nước, suốt ngày ngồi đan áo chờ chúa công trở về. Nhưng mấy năm trôi qua vẫn cứ ngồi ngóng miết, mỏi mòn không thấy bóng chúa về, thôi thì bèn tổ chức lấy chồng cho xong, rồi còn kịp đẻ con đẻ cái chứ vượt quá 33 tuổi thì khó khăn trong việc làm giấy khai sinh cho các cháu. Dù mấy ông chồng chỉ là trai quê miệt vườn, chỉ biết cặm cụi mần ăn trong guộng trong gẫy nhưng do gen của mẹ đẹp nên con đứa nào đứa nấy nhìn sáng bừng, đặc biệt là con gái. Nên trở nên nổi tiếng," gà Cao Lãnh, gái Nha Mân". Các nhà giàu khắp miền Tây, từ miệt Cà Mau Năm Căn đến tận miền núi Tri Tôn, thậm chí là nhà giàu bên Cambuchia....năm nào cũng đi Nha Mân, tìm con dâu cho con trai của mình, gọi là đi dọ dâu. Thấy nhà nào đẻ con gái là cả mấy đám nhào vô đặt cọc, không có gửi tiền mà gửi lúa, gọi là lúa dâu, tức gửi lúa cho nàng dâu vừa đang bú sữa mẹ, ăn chóng lớn rồi về nhà chồng. Nên nhà nào quất lần chục cô con gái thì cứ tha hồ sướng, ông cha ngồi nhậu xỉn từ mờ sáng, bà mẹ thoải mái quánh tứ sắc và đi nhiều chiện với hàng xóm, khỏi mần ăn chi cho mất công.

Gái Nha Mân lớn lên nhan sắc mặn mòi, lại dễ thương lễ phép lúc nào cũng dạ thưa, nghe mát ruột mát gan dù bà mẹ chồng khó tính đến đâu đi nữa. Cũng không có lý luận hay ý kiến ý cò gì, nhà chồng mà nói nặng thì chỉ khóc và ra sau nhà, ngồi bệt xuống đất, bứt cỏ nhìn xa xăm, nước mắt ngắn dài...rồi vô nói chồng ơi, lúc buồn vầy em nhớ quê em lắm, em nhớ tía em, nhớ má em...., nhưng em đã đi lấy chồng là theo chồng, đắng cay sao em cũng chịu. Vừa nói vừa gục đầu, vừa mím môi đến bật máu, tóc mây mấy cọng lòa xòa xuống gương mặt trắng hồng, vai rung lên mấy cái, nhìn thấy thương. Cái thôi, nhà chồng cũng không nỡ nào chửi nữa. Thời phong kiến hay Pháp thuộc, 14-15 tuổi là gái Nha Mân đã tạm biệt quê để đi lấy chồng, có cô đang nhảy dây hay chơi ô quan với bạn ở gốc dừa thì đứa em ra kêu chị Hai ơi vô đi lấy chồng kìa, xong cái cô đứng lên, phủi đít, nói với đám bạn thôi tụi mầy ở lại vui nghen, tao vô nhà thay đồ đi lấy chồng đây. ( ct)



Comments/disqusion
No comments